Tổng hợp những điểm du lịch ở Hà Tiên- Kiên Giang
Một trong những nơi thường được biết đến của tỉnh Kiên Giang là Hà Tiên. Được khai mở vào đầu thế kỉ thứ 17, cách Kiên Giang 93 km, Hà Tiên từ lâu đã nổi tiếng có nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều lượt khách tham quan. Không ai nhớ chính xác tên gọi này có từ bao giờ. Chỉ biết Hà Tiên xưa kia thuộc vùng đất Mang Khảm (tục danh Trấn Phiên thành, còn gọi là Đồng Trụ trấn). Tương truyền rằng, ngày xưa vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên Mạc Cửu đặt tên là Hà Tiên.
Trên quốc lộ 80 gần đến ngã ba vào nội ô thị xã Hà Tiên, du khách sẽ nhìn thấy núi Tô Châu với vị trí đặc biệt thường được du khách ghé thăm. Núi tiểu Tô Châu nằm sát bờ Đông Hồ, trên sườn núi ngoài vườn tiêu, bạch đàn còn có chùa chiền được xây dựng. Riêng Đại Tô Châu còn có nền đá xưa thời họ Mạc. Trèo lên sườn núi du khách có thể dõi tầm quan sát toàn cảnh thị xã Hà Tiên, sông Giang Thành và xa hơn là khu vực Thất Sơn của tỉnh An Giang.
|
2. Thạch Động:
Thạch Động là một khối đá vôi khổng lồ cao gần 50m, nằm sát quốc lộ 80, cách trung tâm thị xã Hà Tiên 03km về hướng Tây Bắc. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây) trong thơ ca Tao Đàn Chiêu Anh Các. Và nơi đây đã gắn liền với truyền thuyết “Thạch Sanh Lý Thông”. Tại đây đã từng diễn ra những trận chiến ác liệt chống quân xâm lược, góp phần tô đậm truyền thống anh hùng của quân dân Hà Tiên. Hiện nay dưới chân Thạch Động có bia căm thù tưởng niệm 130 người đã bị bọn diệt chủng pôn pốt tàn sát vào ngày 14.03.1978 tại xã Mỹ Đức.
3. Bãi Tắm Mũi Nai:
Qua khỏi cầu Tô Châu đến vòng xuyến rẽ tráitheo tỉnh lộ 28 thuộc phường Pháo Đài khoảng 06 km về phía Tây của trung tâm thị xã Hà tiên, du khách sẽ đến bãi tắm Mũi Nai. Cách đây gần 300 năm, cạnh Mũi Nai có xóm ngư dân đẹp và thơ mộng đã đi vào văn học qua bài thơ Lộc Trĩ Thôn Cư ( xóm núi Mũi Nai) của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Đến Mũi Nai, du khách có thể tắm biển, ngắm cảnh thiên nhiên, thưởng thức những đặc sản của miền biển, tham quan các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển…
4. Lăng Mạc Cửu:
Lăng Mạc Cửu nằm trong quần thể núi Bình San, tọa lạc trên đường Mạc Cửu thuộc phường Bình San , thị xã Hà Tiên, được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận là “ Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia” vào ngày 21/01/1989. Núi Bình San với tên gọi đầy đủ trong thơ ca của Tao Đàn Chiêu Anh Các là Bình San Điệp Thúy ( Bình San chồng biếc). Và người dân địa phương còn gọi núi Bình San là “ núi Lăng” vì trên núi có lăng tẩm của vị Khai Trấn Quốc Công Mạc Cửu, vị tướng kiêm nhà thơ Mạc Thiên Tích cùng lăng mộ các tướng sĩ đã theo giúp họ Mạc xây dựng và bảo vệ Hà Tiên. Còn dưới chân núi là đền thờ họ Mạc, còn gọi là Mạc Công Miếu với hai câu đối: “ Nhất môn trung nghĩa gia thịnh trọng; Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh”, như ghi lại công lao của dòng họ Mạc đối với đất Hà Tiên.
5. Chùa Tam Bảo:
Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lac tại số 75 Phương Thành, phường Bình San. Chùa được thành lập năm 1730, do Mạc Cửu sáng lập để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm, bấy giờ gọi là Tiêu Tự. Sau khi bà mất, ông đã cho đúc một tượng phật với một chuông bằng đồng để thờ và tưởng niệm đấng từ thân. Mạc Thiên Tích đã vịnh cảnh “ Tiêu Tự Thần Chung” trong Hà Tiên thập Cảnh như d0ể nói lên tâm tư của mình khi ở nơi dinh thự, khi nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng. Hiện nay, sau chùa còn ngôi mộ của Thái Bà Bà, xung quanh chùa còn lại bức tường cổ gần 300 năm, họ Mạc đã cho xây dựng để ngăn giặc.
6. Nhà Lưu Niệm Đông Hồ:
Thi sĩ Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phác (1906 – 1965), người con của đất Hà Tiên, đã có công lao rất lớn là đem lại thành tựu quý giá trong công cuộc nghiên cứu và tìm hiểu về Tao Đàn Chiêu Anh Các. Ông cùng người bạn thơ, cùng là bạn đời - nữ sĩ Mộng Tuyết đã làm sáng danh nền văn học Hà Tiên. Chính quyền địa phương cùng gia đình ông đã xây dựng một nhà lưu niệm vào năm 1995, tại số 42 Trần Hầu ngay trung tâm thị xã( trên nề Trí Đức học xá cũ), như để tưởng nhớ những cống hiến cho sự nghiệp văn học, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đông Hồ.
7. Đá Dựng:
Núi Đá Dựng cao gần 100m, cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 06km, từ quốc lộ 80 vào Đá Dựng hơn một cây số, nhìn xa Đá Dựng như một hình thang cân. Trong Hà Tiên Thập Cảnh, Đá Dựng với tên gọi Châu Nham Lạc Lộ ( cò về núi ngọc). Đá Dựng có vị trí chiến lược quan trọng, đã đi vài lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và Quân dân Hà Tiên như một truyền thống hào hùng. Đến tham quan di tích lịch sử Đá Dựng như trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời khám phá vẻ đêp kỳ bí của các hang động.
8. Bãi Bàng:
Bãi Bàng là một bãi cát bằng phẳng, nồi liền với bãi trước của Mũi Nai, là một bãi tắm tốt, cảnh vật ở đây còn rất hoang sơ, từ đây có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc, quần đảo Hải Tặc… trong những ngày trời trong mây tạnh.
9. Chùa Lò Gạch:
Chùa nằm dưới chân núi Bình San, cạnh lăng Mạc Cửu, được Hòa Thượng Thích Chí Hòa xây dựng năm 1945, đặt tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Do chánh điện của thịnh xá tọa lạc trong một lò gạch bỏ hoang nên người dân địa phương còn gọi tịnh xá Chí Hòa là chùa Lò Gạch. Năm 1993, tịnh xá Chí Hòa được đổi tên hiệu thành chùa Phật Đà. Chùa tọa lạc tại số 52 Mạc Cửu thuộc phường Bình San.
10. Chùa Năm Ông:
Chùa Năm Ông nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lạc tại số 52 Mạc Thiên Tích , phường Bình San. Còn được gọi là Miếu Quan Thánh Đế Quân, là một trong những nơi mà người dân địa phương sùng kính tôn thờ coi như chốn linh thiêng. Chùa được thành lập thời Mạc Thiên Tích( sách Gia Định Thành Tông Chí).
11. Đầm Đông Hồ:
Đông Hồ là một hồ nước phẳng lặng giữa bốn bề sông núi rất thơ mộng: phía hữu nạn là núi Ngũ Hổ, phía tả ngạn là dãy núi Tô Châu, phía đông có sông Giang Thành, phía tây có sông Hà Tiên đoạn dẫn ra biển. Hồ nước nằm về phía đông thị xã Hà Tiên, rộng khoảng 14km2. Vào những đêm trăng cảnh vật trên Đông Hồ rất đẹp, ánh trăng lung linh trên sóng nước mặt hồ rất đẹp và nên thơ đã đi vào thơ ca hàng trăm năm qua với tên gọi “Đông Hồ Ấn Nguyệt”.
12. Đình Thần Thành Hoàng:
Đình Thần Thành Hoàng còn gọi là Đình Thần Hà Tiên, nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lạc trên đường Trần Hầu thuộc phường Đông Hồ. Đình Thần Thành Hoàng có từ rất xa xưa, trước thời vua Minh Mạng, gọi là Miếu Hội Đồng. Năm 1850, chỗ này mới được lợp ngói. Toàn bộ kiến trúc ngôi đình vẫn được giữ nguyên trong lần trùng tu quy mô nhất của các danh sĩ Hà Tiên vào ngày 14/01/1888. Hàng năm, đình tổ chúc cúng kỳ yên vào ngày 15,16 và 17 tháng 02 âm lịch.
13. Núi Đèn:
Núi đèn còn gọi là núi Đèn Rọi, gồm hai ngọn núi cách nhau khoảng 300m, núi Đèn Nhỏ(117m) và núi Đèn Lớn(131m), nằm cạnh bờ biển, cách bãi trước của khu du lịch Mũi Nai khoảng 01 km. Lên đỉnh núi Đèn Nhỏ, nơi có ngọn đèn, du khách có thể ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng những luồng gió mát từ biển thổi vào, biển khơi chập chùng, đảo to, đảo nhỏ vô cùng kỳ vĩ…
14. Chùa Phù Dung:
“ Phù Dung Cổ Tự” thuộc phía bắc núi Bình San, được nhiều người biết đến qua tuồng cổ “Áo cưới trước cổng chùa” được hư cấu từ hai nhân vật có thật là Tổng binh Đại Đô Đốc Mạc Thiên Tích và người vợ thứ của ông là bà Nguyễn Thị Xuân. Và đặc biệt nhất là chùa Phù Dung có điện thờ Ngọc Hoàng phía sau chùa.
15. Chợ Hà Tiên:
Chợ nằm trên đường Trần Hầu, ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, và đây là khu trung tâm thương mại nhộn nhịp nhất của thị xã. Qua khỏi cầu Tô Châu rẽ phải thì đến khu vực chợ. Chợ Hà tiên nằm bên cạnh bờ sông nối liền với công viên Đông Hồ. Ngày nay, Hà Tiên phát triển rất phồn thịnh và các mặt hàng được bán ở chợ cũng đa dạng và phong phú hơn.
16. Bãi Biển Tà Lu:
Đi theo tỉnh lộ 28, bãi biển Tà Lu cách bãi sau của khu du lịch Mũi Nai khoảng 800m. Bãi biển nơi đây khá đẹp và lý tưởng, ít sóng và không sâu thẳm. Từ đây du khách có thể nhìn những hòn đảo lớn và nhỏ của nước ta và của nước bạn Campuchia, từ khơi xa nhấp nhô trên mặt biển.
17. Bãi Tắm Bãi Nò:
Bên cạnh Bãi Nò có xóm chài, nhà cửa đông vui, dưới những hàng dừa cao trông thật đẹp và thơ mộng. Cảnh vật ở đây còn rất hoang sơ và gần với thiên nhiên. Bãi tắm ở đây khá đẹp và lý tưởng. Bãi Nò nồi liền với Núi Đèn, Bãi Bằng và Mũi Nai.
18. Chùa Thiên Trúc:
Chùa Thiên trúc tọa lạc tại số 178/11 Phương Thành, phường Bình San , thị xã Hà Tiên. Chùa được thành lập khoảng thế kỷ 17. Chánh điện của chùa được trùng tu năm 1960, có kiến trúc rất độc đáo. Chùa Thiên Trúc còn được dân địa phương gọi là chùa Phật Lớn bởi trong chánh điện của chùa có tượng phật ngồi cao gần 3m.
19. Cầu Tô Châu:
Cầu Tô Châu nằm tại vị trí km 337+915-QL 80; dài 541,8m, rộng 11m, được khởi công xây dựng vào ngày 09/07/2000 và hoàn thành vào ngày 30/04/2003. Chiếc cầu bắc qua đôi bờ cửa biển Hà Tiên, nối liền hai bờ Đại Kim Dự và Tiểu Kim Dự, trông thật duyên dáng và đáng yêu.
20. Mũi Dong:
Mũi Dong là đoạn bãi biển nằm trãi dài theo quốc lộ 80, gần ngã ba Cây Bàng, thuộc xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên. Bã biển ở đây không sâu lắm do sự bồi đắp thường xuyên của cát biển. Trên đường vào nội ô thị xã, du khách có thể dừng lại nơi đây để ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình.
21. Mũi Ông Cọp:
Mũi Ông Cọp nằm sát quốc lộ 80, có ngọn núi cùng tên cao hơn 100m, nhô ra biển. Đây là cửa ngõ vào thị xã Hà Tiên. Du khách sẽ thích thú bởi phong cảnh nơi đây thật ngoạn mục, gió từ biển thổi vào lồng lộng, nước biển xanh biếc, đường xá uốn lượn, đồi núi chập chùng…
22. Chùa Xà Xía:
Chùa Xà Xía nằm trên tỉnh lộ 28, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo của người dân tộc Khmer Nam bộ. Hàng năm , ở đây tổ chức các lễ hội theo phong tục tập quán của người Khmer và cũng giống như đồng bào khmer ở các tỉnh Nam bộ, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc Khmer ở địa phương.