Đây là câu chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, và khách sạn này cũng là niềm tự hào của anh Nguyễn Thành Nguyên – người chủ đã sáng lập ra nó. Tất nhiên, với giá rẻ như thế, không phải ai cũng có thể thuê, chỉ những hoàn cảnh T.Tâm như người vô gia cứ, khuyết tật hoặc người già, trẻ em, mất khả năng lao động, gia đình đang nuô bệnh… mới được hưởng ưu đãi.
Hiện tại, khách sạn này đang tọa lạc ở hẻm 16, đường 30 Tháng 4, P.An Phú, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Chị Thanh Linh (27 tuổi), quản lý khách sạn cho biết: “Trong một lần về Cần Thơ thăm bệnh, anh Nguyên (chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM) thấy cảnh nhiều người nhà bệnh nhân nghèo, nhất là người ở tỉnh xa nằm vạ vật tại các hành lang, ghế đá của bệnh viện.
Mỗi người lót một manh chiếu, tấm bạt nằm bệt dưới đất bởi không đủ chi phí thuê nhà trọ bên ngoài. Từ đó, anh nảy sinh ý định thành lập nơi cư trú giá rẻ, để bà con không phải nằm dưới nền đất ẩm thấp, chịu mưa gió, nóng bức nữa”.
Để thực hiện ý tưởng, anh Nguyên cùng cộng sự tìm thuê nhà với giá 7 triệu đồng/tháng rồi tiến hành sửa sang toàn mới. Sau khi xây dựng hoàn thiện và xin giấy phép, đầu tháng 7.2019, khách sạn dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt được đưa vào hoạt động và giao cho chị Linh làm quản lý.
Khách sạn giá rẻ nhưng dịch vụ tốt và chu đáo tận cùng (Ảnh: Báo Xã Hội)
Khách sạn hiện có 15 phòng (mỗi phòng 4 giường tầng), trang bị đầy đủ máy lạnh, quạt, nệm, drap, gối, mền... Đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người vô gia cư bị khuyết tật, người già, trẻ em... chi phí ở chỉ từ 1.500 đồng/người/ngày đêm; những người bệnh nan y phải chạy chữa lâu dài, người có hoàn cảnh khó khăn, chi phí 17.500 đồng/người/ngày đêm; riêng những người lao động, sinh viên... giá 6.000 đồng/ngày và 22.000 đồng/đêm.
“Thay vì xây một căn nhà chung để bà con đến ở miễn phí nhưng phải chi trả tiền điện, nước... anh Nguyên chọn ý tưởng xây dựng nơi lưu trú, thu phí giá rẻ nhưng được sử dụng điện, nước, tắm rửa, giặt giũ, wifi... miễn phí. Tiền phí bà con chi trả được dùng vào việc duy trì để nơi ở luôn sạch sẽ, tiện nghi và sử dụng lâu dài”, chị Linh tâm sự
Đa phần những hoàn cảnh tìm đến đây lưu trú là người nuôi bệnh hoặc điều trị bệnh dài ngày. Ngoài ra, còn có những người lao động khó khăn tìm chỗ nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục mưu sinh. Có những người mẹ già đưa con đi trị bệnh ung thư, chạy thận trông rất thương cảm. Có những cặp vợ chồng lớn tuổi đưa nhau đi trị bệnh, tìm được đến chỗ lưu trú gần bệnh viện với mức giá rẻ khiến họ vui mừng đến vỡ òa vì tiết kiệm được nhiều chi phí để tiếp tục điều trị bệnh.
Một người khách xúc động vì bớt đi phần nào khó khăn trong việc tìm chổ ở (Ảnh: Báo Xã Hội)
Bà Lý Kim Loan (41 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi và chồng đi trị bệnh tại bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ. Những lúc chữa bệnh dài ngày, nhà xa nên lúc trước phải thuê phòng trọ từ 80.000 - 150.000 đồng/ngày. May mắn được chỉ dẫn đến nơi lưu trú này với giá rẻ như cho, tôi quá bất ngờ và vui mừng”.
Còn ông Trần Văn Hai (60 tuổi, ngụ Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi đưa vợ đến bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ trị bệnh và ở nơi lưu trú này được 3 lần rồi. Không ngờ rằng ngay trung tâm thành phố có nơi lưu trú đầy đủ tiện nghi mà mức giá rẻ lạ lùng đến vậy. Ban đầu tôi còn không tin là thật nữa đó”.
Có lẽ, đây chỉ là một câu chuyện nhỏ giữa muôn vàn những tấm lòng tốt và người tốt thiện lương. Nhưng nhờ nó, thêm một bông hoa ấm áp được lan tỏa giữa cộng đồng. Chỉ cần thêm một điều hay thì bao nhiêu mảnh đời sẽ được giúp đỡ, rồi cứ nhân rộng dần lên, xã hội sẽ đẹp bội phần.
Có lẽ, câu chuyện làm từ thiện của khách sạn nói riêng và của nhiều mô hình khác nói chung khiến chúng ta thấy được sự cao quý nhưng cũng đầy tinh tế. Những cụm từ như bánh mì 0 đồng, bữa cơm 0 đồng hay khách sạn 1.500 đồng… về bản chất là gần như miễn phí.
Hai vợ chồng tiết kiệm được khoản tiền nhờ khách sạn giá rẻ (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Nhưng người tốt, vẫn đưa ra một cái ‘giá’ để người nghèo không cảm thấy mặc cảm, chạnh lòng, để thể hiện sự tôn trọng của người giúp đỡ, rằng tôi hỗ trợ anh một phần nào đó khó khăn, chứ không phải vì tôi giàu quá nên tôi đi bố thí. Bởi mới nói, ‘’của cho không bằng cách cho’’ là vậy
Cảm ơn lắm, vì cuộc đời vẫn còn những người như anh Nguyên, chị Linh. Họ làm việc tốt một cách âm thầm lặng lẽ, chẳng cần phải xuất hiện trên những trang báo rao giảng đạo lý mỗi ngày, họ sống đẹp bằng khả năng và cái tâm của mình, nhưng nhờ đó mà những em nhỏ lang thang, cụ già nghèo khó, đặc biệt là với những ai đang phải chống chọi với bênh tật, có thêm niềm tin vào cuộc sống này.
Sau cùng, như chị Linh đã chia sẻ: “Chúng tôi sẽ không dừng lại và sẽ nhân rộng vào các thành phố lớn, nơi còn rất nhiều bà con cần sự tiếp sức để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời”.